Những điều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực trẻ

Không chỉ vậy, để có người giỏi, Namilux còn liên kết với đối tác Nhật tổ chức các khóa học do chính các kỹ sư Nhật đứng lớp.

Được đánh giá là quốc gia có nguồn lao động trẻ dồi dào, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước khác. Thế nhưng lợi thế ấy không được khai thác triệt để khi mỗi năm có hàng ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp.

Thiếu và yếu

Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp nhưng không phải ai cũng tìm được việc làm. Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2014 có đến 174.000 sinh viên có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, 60% sinh viên sau tốt nghiệp 3 tháng mới có việc làm, 750.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng có công việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp cao là việc chọn bậc học của học sinh trung học phổ thông đang mất cân bằng. Số liệu từ Trung tâm Dự báo về nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đã minh chứng điều này. Trong 100 học sinh tốt nghiệp cấp 3 có đến 88 em muốn vào đại học, 8 em muốn vào cao đẳng và chỉ có 4 em muốn học hệ trung cấp.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ – Chủ tịch HĐQT Công ty L&A, sinh viên thất nghiệp một phần do xu hướng chọn ngành nghề học. Các bạn trẻ đều muốn chen chân vào đại học, cao đẳng mà không biết rằng doanh nghiệp (DN) tuyển dụng rất nhiều nhóm chưa qua đào tạo như công nhân, lao động phổ thông.

Với kinh nghiệm của một đơn vị cung ứng nhân lực nhiều năm nay, bà Lệ đưa ra con số “đặt hàng” thực tế từ các DN thông qua L&A. Cụ thể, có đến 21% DN tuyển nhân viên có trình độ trung cấp, 17% tuyển cao đẳng và chỉ có 15% DN tuyển đại học.

Đó là chưa kể có đến 27% sinh viên ra trường không xin được việc do ngành học không phù hợp với thị trường hoặc không chấp nhận làm việc trái ngành nghề được đào tạo, số khác lại không tìm được nhà tuyển dụng phù hợp… “Điều này cho thấy sự không khớp nhau giữa nơi tuyển dụng và ứng viên”, bà Lệ cho biết.

Điều đáng buồn là gần như hầu hết số sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đều phải đào tạo lại. Ông Alex Boome – đại diện Quỹ Hinrich Foundation – đưa ra thực trạng chua chát về những người không thất nghiệp: có đến 94% sinh viên ra trường phải đào tạo lại và 96% nói họ sẵn sàng cho công việc nhưng nhà tuyển dụng nhận thấy chỉ có 11% trong số đó thật sự sẵn sàng. Thực tế từ các đối tác tuyển dụng của L&A cũng cho thấy, khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường, hầu hết các DN đều phải đào tạo thêm về chuyên môn và các kỹ năng mềm để làm việc.

Hợp tác đào tạo

Chia sẻ tại buổi ăn trưa do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức, GS. Dương Nguyên Vũ – Giám đốc Trung tâm John von Neumann, Đại học Quốc gia TP.HCM, tỏ ra rất bức xúc khi nghe DN nói muốn sử dụng sinh viên thì phải đào tạo lại. Vì chính đại học mới là nơi đào tạo nhân lực cho xã hội chứ không thể phải để xã hội đào tạo lại. Điều khiến ông Vũ bức xúc hơn là hiện nay, DN coi sinh viên như công cụ hơn là đối tác để đào tạo.

“Nên coi đây là trách nhiệm chung của xã hội thì chất lượng nguồn nhân lực mới tốt hơn. Hơn nữa, đây chính là môi trường để DN tiếp cận sinh viên giỏi. Và muốn làm cho Việt Nam khá hơn, các DN phải ngồi lại với nhau, chia sẻ phương thức đào tạo con người như nhiệm vụ của mình đối với xã hội”, GS. Dương Nguyên Vũ nói.

Tìm và bổ sung nguồn nhân lực trẻ cho DN là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay, nhưng làm thế nào để nguồn nhân lực ấy đáp ứng được yêu cầu của DN là câu hỏi khó. Vì trên thực tế, có sự “đứt gãy” giữa DN và trường đại học.

Ông Nguyễn Thế Hà – Giám đốc Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho rằng, DN phải có nhiệm vụ giúp ngành giáo dục – đào tạo. “Phải có một thế hệ thầy chiến lược, trò chiến lược mới có thể có được thế hệ DN mới phục vụ đất nước. Lính mới thì cần phải có lính cũ kèm cặp. Thương trường là trường đại học lớn, làm sao để ươm được mầm mới có thể phát triển”.

Cùng quan điểm này, bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, cho rằng: “Mối quan hệ giữa DN và trường đại học hay doanh nhân với trí thức là mối quan hệ sống còn. Nếu nơi đào tạo con người và nơi sử dụng con người không gắn bó chặt chẽ với nhau thì việc có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sẽ còn khó dài dài”.

Theo bà Trân Phượng, cả DN và trường học đều phải hiểu họ cần nhau, phải hợp tác cùng nhau mới mong đào tạo được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tế. Nhận thức được điều này nên những năm qua, Trường Đại học Hoa Sen đã hợp tác với Quỹ Hinrich Foundation đào tạo nguồn nhân lực sát với yêu cầu của DN.

Bằng các học bổng do DN cung cấp, sinh viên được thực tập tại DN và sau khi ra trường sẽ về làm cho DN. Việc hợp tác này tạo ra những nguồn lực cho DN Việt Nam khi phát triển ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar… Mô hình liên kết với các trường đại học – Hinrich Foundation – DN giúp Hinrich Foundation thành công.

Trong khi đó, để tìm nguồn cung đáp ứng tốt yêu cầu của các đối tác, L&A đã xây dựng quy trình tuyển dụng khá nghiêm ngặt: tuyển dụng, thực tập, đánh giá, phỏng vấn tuyển dụng, thử việc và tuyển dụng chính thức. Với quy trình này, có đến 70% thực tập sinh do L&A cung ứng đã được DN tuyển dụng.

Công ty Namilux – một trong những DN chuyên sản xuất bếp gas của Việt Nam lại đào tạo theo cách riêng khá thú vị. Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Tổng giám đốc Namilux cho biết, tại Công ty luôn có một nhóm khoảng 10 công nhân lành nghề làm nòng cốt để hướng dẫn những người khác. Nhưng điều thú vị là những người hướng dẫn này được chọn lựa không dựa trên trình độ học vấn mà căn cứ vào kinh nghiệm làm việc. Không chỉ vậy, để có người giỏi, Namilux còn liên kết với đối tác Nhật tổ chức các khóa học do chính các kỹ sư Nhật đứng lớp.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *